Một vị thuốc được đánh giá cao và là vị thuốc quý trong nền y học cổ truyền là hà thủ ô đỏ. Tại sao hà thủ ô đỏ lại được đánh giá cao, có công dụng như thế nào mà quý như vậy, hãy cùng Kochi đi tìm hiểu về vị thuốc hà thủ ô đỏ.
Nội Dung
1. Sự tích của vị thuốc hà thủ ô đỏ
Có một câu chuyện cảm động về nguồn gốc vị thuốc hà thủ ô đỏ như sau:
Xưa có một người đàn ông tên là Điền Nhi, quê ở huyện Hà Nam, Thuận Châu. Khi sinh ra, Điền Nhi đã yếu ớt, không được khỏe mạnh như những người bình thường. Năm 58 tuổi, ông vẫn không có vợ con, thường ham đạo thuật nên thường theo các thầy học đạo ở núi.
Một hôm, ống uống rượu say nằm ở sườn núi bỗng thấy hai gốc cây leo mọc cách xa nhau tới 3 thước (0,9 m). Cành lá mọc quấn lấy nhau, lâu lâu lại thấy rời nhau như trước.
Điền Nhi lấy làm lạ, đem đào lấy củ mang về hỏi mọi người, tuy nhiên không ai biết là củ gì. Sau đó, một ông già từ phương xa lại chơi, Điền Nhi liền đem ra hỏi, ông già bảo: Anh đã không có con mà loài cây này lại có sự lạ như vậy có lẽ là một “vị thuốc thần tiên”, đem sắc mà uống.
Thế là Điền Nhi bèn đem tán bột, mỗi lần uống một đồng cân (4 gam). Hòa với rượu, uống luôn 7 ngày đã nảy sinh ý tưởng tình dục, uống luôn vài tháng, thời mạnh khỏe như người thường. Vì thế nên uống mãi, dần dần tăng lên tới 2 đồng cân (8 gam). Uống suốt 1 năm, các bệnh tật đều khỏi, tóc đương trắng hóa đen, vẻ mặt trẻ trở lại. Trong khoảng 10 năm sinh được 3 người con trai, do đó, mới đổi tên thành Năng Tự.
Cùng với con là Điền Tú, tiếp tục uống thứ thuốc đó mà sống thọ tới 160 tuổi. Điền Tú sinh ra Thủ Ô. Thủ Ô cũng uống thứ thuốc đó mà sinh được vài người con trai, thọ tới 130 tuổi mà tóc vẫn còn đen.
Có người là Lý An Kỳ bạn thân với Thủ Ô, lấy được bài thuốc đó đem về uống cũng sống rất lâu và thuật lại truyện trên [1].
Sự tích của vị thuốc hà thủ ô đỏ đã nêu bật lên được công dụng tuyệt vời của hà thủ ô đỏ, nổi bật là tác dụng kéo dài tuổi thọ, làm đen tóc, tăng cường sinh lý cho những người trong câu chuyện.
sự tích hà thủ ô đỏ
2. Thành phần, tác dụng dược lý của các hoạt chất trong vị thuốc hà thủ ô đỏ
Một số thành phần hoạt chất có tác dụng dược lý trong vị thuốc hà thủ ô đỏ như sau [2]:
– Anthraglycozid trong vị thuốc hà thủ ô đỏ có tác dụng làm tăng nhu động ruột và dạ dày (do đó có thể kích thích tiêu hóa, kiện vị).
– Một tác dụng có thể nói đến của hà thủ ô đỏ đó là gây hưng phấn tim.
– Chất Lexitin trong vị thuốc hà thủ ô đỏ có tác dụng bổ thần kinh, có khả năng làm cho cholesterol trầm tích trong gan làm giảm tác dụng xơ cứng động mạch.
– Dịch chiết hà thủ ô đỏ làm tăng lượng đường glycogen tích lũy trong gan ở những chuột thí nghiệm đã cắt bỏ tuyến thượng thận.
Một nghiên cứu trên chuột của Yin-Ching Chang và cộng sự cho kết quả chiết xuất hà thủ ô (chiết xuất ethanol 50%) có tác dụng giảm cholesterol và triglycerid toàn phần trong khi vẫn duy trì hàm lượng HDL [3].
thành phần vị thuốc hà thủ ô đỏ
2. Công năng, chủ trị của vị thuốc hà thủ ô đỏ theo y học cổ truyền
Xét về quy kinh, Hà thủ ô đỏ quy vào 2 kinh đó là can và thận.
– Theo lý thuyết của y học cổ truyền thì thận tàng tinh, tinh tiên thiên có sẵn trong bào thai có nguồn gốc từ cha mẹ, tinh sinh dục nằm trong đó.
Sau khi nuôi dưỡng cơ thể thì phần dư thừa được tích ở thận. Thận không chỉ tàng tinh của bản thân nó mà còn tàng tinh của lục phủ ngũ tạng. Chức năng này tốt thì cơ thể khỏe mạnh, hoạt động dẻo dai, hoạt bát, sống lâu. Vì vậy, sử dụng vị thuốc hà thủ ô đỏ lâu dài có tác dụng bổ thận tinh, có lợi cho việc sinh con và kéo dài tuổi thọ.
– Vị thuốc hà thủ ô đỏ còn có công năng bổ khí huyết, dùng trong các trường hợp khí huyết đều hư, có các biểu hiện cơ thể mệt nhọc, vô lực, hơi thở ngắn, thiếu máu, da xanh gầy khô sáp, chóng mặt, nhức đầu, râu tóc sớm bạc [2]. Dùng hà thủ ô đỏ đều đặn giúp cho da dẻ hồng hào, có hiệu quả trong việc làm đen râu tóc.
Tác dụng này cũng đã được ông cha đúc kết trong câu thơ nổi tiếng “Muốn cho đen tóc đỏ da/ Rủ nhau lên núi tìm hà thủ ô”.
– Giải độc chống viêm: dùng vị thuốc hà thủ ô đỏ trong các trường hợp mụn nhọt, thấp chẩn, lở ngứa; còn dùng để trị bệnh tràng nhạc và viêm gan mạn tính [2].
– Nhuận tràng thông tiện: dùng trong các trường hợp thiếu máu vô lực mà dẫn đến đại tiện bí táo [2].
công năng vị thuốc hà thủ ô đỏ
3. Những ai nên dùng vị thuốc hà thủ ô đỏ
– Những trường hợp huyết hư, thiếu máu hay là đại tiểu tiện ra máu.
– Những người tóc bạc sớm, tóc khô và bị rụng tóc nhiều muốn có được mái tóc đen, bóng trở lại.
– Người bị suy nhược thần kinh dẫn đến hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ hay tim đập hồi hộp.
– Những người có gan yếu, người men gan tăng.
– Một số bệnh liên quan đến thận như thận suy, thận yếu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, khí hư.
– Bệnh của phụ nữ sau sinh nở, các bệnh xích bạch đới.
– Sử dụng hà thủ ô đỏ cho người già sau khi bị bệnh giúp phục hồi sức khỏe.
– Mỡ máu cao, cholesterol và triglycerid cao.
4. Nên sử dụng hà thủ ô đỏ đã được chế biến
Bạn không nên sử dụng tùy tiện hà thủ ô đỏ, nhất là hà thủ ô đỏ chưa được chế biến. Hà thủ ô đỏ chưa chế thì có vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm. Hà thủ ô đỏ chế thì có vị hơi ngọt, ít chát và hầu như không đắng.
Một tác dụng phụ của hà thủ ô đỏ là có thể gây táo bón do chứa tanin, hoặc có thể gây ỉa chảy do chứa anthranoid. Do đó, người nhạy cảm dùng hà thủ ô đỏ có thể bị táo bón hoặc bị tiêu chảy.
Sau quá trình chế biến, hàm lượng tanin và anthranoid trong hà thủ ô đỏ đều giảm [4]. Hà thủ ô chế đúng phương pháp sẽ làm giảm đáng kể tác dụng phụ là rối loạn tiêu hóa này.
5. Cách chế biến vị thuốc hà thủ ô đỏ
Có nhiều cách để chế biến vị thuốc hà thủ ô đỏ. Ở đây, Kochi xin được giới thiệu một phương pháp chế biến hà thủ ô đỏ như sau:
– Lấy củ tươi có khối lượng từ 0,5 kg trở lên, rửa sạch và cắt khúc.
– Ngâm nước vo gạo từ 24 – 48 giờ, sau đó thì rửa lại với nước một lần nữa.
– Ninh chín hà thủ ô đỏ với nước đỗ đen xanh lòng theo tỷ lệ 1 kg hà thủ ô tươi với 100 – 200 gam đỗ đen xanh lòng. Thời gian ninh từ 48 – 72 giờ cho đến khi hà thủ ô đỏ chín ngậy, ít chát.
– Vớt hà thủ ô ra, bỏ lõi, thái lát.
– Sau đó, thực hiện quy trình sấy, tẩm cho đến khi hết chỗ nước ninh hà thủ ô đỏ ở trên.
– Sấy khô kiệt miếng hà thủ ô đỏ chế, bảo quản trong gói kín.
Như vậy, vị thuốc hà thủ ô đỏ được chế biến sẽ có màu nâu đen, mùi thơm đặc trưng. Nước pha ra sẽ có màu đỏ thơm, vị ngậy, hơi ngọt, hơi chát và gần như không đắng.
Khi sử dụng nên tiếp tục trộn với đỗ đen xanh lòng rang chín để tăng hiệu quả của hà thủ ô đỏ chế.
chế biến vị thuốc hà thủ ô đỏ
Như vậy, vị thuốc hà thủ ô đỏ đúng là một vị thuốc quý, mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe chúng ta, xứng đáng là một “tiên dược”. Bạn e ngại trong việc chế biến hà thủ ô đỏ, muốn tìm mua một sản phẩm hà thủ ô đỏ chế uy tín, chất lượng, liên hệ hotline 0246.291.8086.
- Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, 833 – 836.
- Bộ Y tế (2006), Dược học cổ truyền, Nhà xuất bản Y học, 250 – 251.
- Chan Y. C., Cheng F. C. and Wang M. F. (2002), Beneficial effects of different Polygonum multiflorum Thunb. extracts on memory and hippocampus morphology, J Nutr Sci Vitaminol (Tokyo). 48(6), pp. 491-7.
- Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Vol. Tập 1, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 884 – 888.