Nguyên nhân gây ung thư phổi là một vấn đề đang rất được nhiều người quan tâm hiện nay. Ung thư phổi có tỉ lệ tử vong hàng đầu do ung thư trên toàn thế giới. Đó là tình trạng tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào bất thường ở một hoặc cả hai phổi, thông thường là các tế bào thuộc lớp niêm mạc của đường thở. Chúng phân chia rất nhanh và hình thành các u gây cản trở chức năng phổi. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân ung thư phổi qua bài viết dưới đây.
Nội Dung
1. Tổng quan bệnh Ung thư phổi
Hiện nay, theo thống kê, ung thư phổi là bệnh ung thư hay gặp, khó phát hiện nhất và kết quả điều trị hiệu quả thấp, dẫn đến gây tử vong nhiều nhất. Theo thống kê, tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm thứ hai sau ung thư gan. Theo các kết quả nghiên cứu, bệnh ung thư phổi được chia thành 2 loại gồm ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
2. Nguyên nhân gây ung thư phổi
Ung thư phổi là một khối mô bất thường, nó phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường liền kề. Nhiều nghiên cứu cho thấy các nguyên nhân gây ung thư phổi gắn với thói quen hút thuốc lá, môi trường sống và làm việc, chế độ ăn uống, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống sinh hoạt thiếu vệ sinh… Đặc biệt khi có nhiều yếu tố cùng phối hợp với nhau, nguy cơ mắc ung thư phổi càng tăng.
2.1. Thuốc lá
Ung thư phổi gây nên bởi nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nhau. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân gây ung thư phổi hàng đầu. Tỉ lệ ung thư phổi tăng lên theo số năm hút thuốc lá và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Tỉ lệ ung thư phổi ở người nghiện thuốc lá cao hơn rất nhiều so với người không hút thuốc lá. Có khoảng 80-90% ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá.
Trong khói thuốc lá chứa hơn 4000 hoạt chất khác nhau. Có thể kể đến như Nicotine, khí than (carbon monoxide) và nhựa thuốc. Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe và khoảng 70 chất gây ung thư, ví dụ như hợp chất thơm có vòng đóng, Nitrosamine hay các Benzopyrene. Nó tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp dẫn đến tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào gây dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi lên 13 lần.
Ở những người đã bỏ thuốc lá, nguy cơ gây ung thư phổi giảm so với người tiếp tục hút thuốc. Tuy vậy, đối với những người đã dừng hút thuốc, nguy cơ gây ung thư phổi vẫn tăng theo độ tuổi với tốc độ cao hơn những người chưa từng hút thuốc. Nếu bỏ thuốc lá trước 40 tuổi, bạn có thể giảm 90% khả năng phát triển ung thư phổi. Bỏ thuốc lá ở tuổi 54 sẽ giảm được ⅔ nguy cơ mắc bệnh.
Ngay cả khi bạn không hút thuốc lá nhưng nếu bạn là người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động thì nguy cơ mắc ung thư phổi cũng sẽ tăng. Hút thuốc thụ động làm tăng khả năng mắc ung thư phổi lên 1,5 lần so với người tiếp xúc với khói thuốc. Ngay cả khi đã tắt thuốc lá, trong không khí vẫn còn sót lại 11 hợp chất có nồng độ cao gây ung thư và nhiều những hợp chất độc hại khác.
Hút thuốc rõ ràng là nguyên nhân gây ung thư phổi lớn nhất. Tuy nhiên, không phải ai hút thuốc cũng đều bị ung thư phổi này. Như vậy còn những nguyên nhân ung thư phổi nào khác nữa?
2.2. Tia xạ
Tiếp xúc với tia phóng xạ là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi. Những người đã từng tiếp xúc, phơi nhiễm phóng xạ sẽ có khả năng tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn so với những người chưa từng tiếp xúc.
Những người làm việc trong các mỏ Uranium, Fluorspar và Hacmatite có thể tiếp xúc với tia phóng xạ do hít thở không khí có chứa Radon.
2.3. Yếu tố môi trường nghề nghiệp
2.3.1. Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là yếu tố nguy cơ gây nên ung thư phổi
Đây là một trong những nguyên nhân gây ung thư phổi rất phổ biến hiện nay. Lượng NO2 trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 14%. Ngoài ra, những chất thải công nghiệp, chất thải từ động cơ ô tô, xe máy xả vào không khí, chất đốt trong gia đình như bếp ga, than củi, các chất phóng xạ cũng tác động đến bệnh này.
2.3.2. Các yếu tố thuộc về môi trường nghề nghiệp
Chất sinh ung Asbestos gặp trong các loại nghề nghiệp (nghề mài má phanh xe) là một yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi. Công nhân làm việc ở các hầm mỏ có nguy cơ ung thư phổi cao hơn như mỏ phóng xạ Uranium, mỏ Cromate, mỏ Kền, công nhân làm việc trong một số ngành nghề có tiếp xúc Amiant, khí đốt, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa. Việc tiếp xúc với các ô nhiễm không khí từ kỹ nghệ kim loại nặng và môi trường ô nhiễm khói thuốc cũng là nguyên nhân ung thư phổi.
2.4. Yếu tố di truyền – Gen
Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến cả nguy cơ và tiên lượng ung thư phổi. Mặc dù yếu tố di truyền của ung thư phổi chưa được chứng minh, nhưng có thể có yếu tố gia đình liên quan đến một số đột biến gene.
Một số trường hợp thừa hưởng các đột biến gen di truyền từ cha mẹ có khả năng mắc bệnh ung thư phổi. Ví dụ như đột biến gen BRCA2 và RAD51D, BRCA1 ngay cả khi họ không hút thuốc.
Một số người bị giảm khả năng phân hủy hoặc loại bỏ một số loại hóa chất gây ung thư đi vào cơ thể, do đó rủi ro mắc ung thư phổi cao hơn.
2.5. Lạm dụng rượu, bia
Những người uống rượu bia, kèm theo hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
2.6. Tuổi và giới tính
Ung thư phổi thường mắc ở nam giới 50-75 tuổi. Gần đây, tại các nước phương Tây, tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới không tăng trong khi tỷ lệ ung thư phổi có chiều hướng gia tăng ở phụ nữ.
2.7. Các bệnh lý khác
- Người mắc các bệnh lý như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi, thiếu chất alpha-1 antitrypsin hoặc có tổn thương phổi ở các bệnh phổi khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
- Tỷ lệ mắc ung thư phổi ở những người nhiễm HIV tăng so với những người không bị nhiễm.
- Các bệnh ở phế quản như sẹo cũ của các tổn thương phổi, Lao phổi cũ,…
3. Phòng ngừa bệnh Ung thư phổi
Trên cơ sở những nguyên nhân gây ung thư phổi, có thể đề xuất những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư phổi như sau:
- Không hút thuốc lá: Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc, đừng bắt đầu thói quen xấu này.
- Bỏ thuốc lá: Nếu có thói quen hút thuốc lá, hãy tập cai thuốc ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong thời gian dài.
- Tránh xa khói thuốc: Hạn chế đến các khu vực công cộng có người hút thuốc.
- Tránh các chất gây ung thư ở nơi làm việc: Thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân khỏi tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại ở nơi làm việc như đeo khẩu trang, đồ bảo hộ lao động.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn đầy đủ trai cây và rau xanh, lựa chọn hợp lí các nguồn thực phẩm giàu vitamin và chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Khám sức khỏe định kỳ: giúp phát hiện sớm hơn các tổn thương ung thư phổi.
Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm hơn các tổn thương ung thư phổi
Hy vọng bài viết này đem lại những thông tin hữu ích cho bạn, giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ung thư phổi. Từ đó có những biện pháp phòng ngừa thích hợp trước căn bệnh nguy hiểm này.
Nếu bạn có bất cứ điều gì cần trao đổi thêm, hãy liên hệ với KOCHI để được giải đáp sớm nhất nhé!
Hotline: 024 6291 8086
Fanpage: Tỏi đen Kochi