Dấu hiệu của bệnh tiểu đường đang là một trong những từ khóa được quan tâm hàng đầu hiện nay. Do bệnh tiểu đường có tên gọi khác là đái tháo đường đang ngày càng phổ biến, tỉ lệ mắc ở người trẻ có xu hướng tăng lên và diễn biến của bệnh cũng rất khó lường. Vì vậy mời bạn đọc cùng Kochi tìm hiểu rõ hơn về những dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Nội Dung
1. Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa glucose, có đặc điểm là lượng đường huyết tăng cao trong cơ thể. Nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ insulin được tiết ra trong cơ thể không ổn định.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường rất đa dạng vì vậy dựa vào dấu hiệu của bệnh tiểu đường và diễn biến của nó chia ra có các loại tiểu đường thường gặp là: Tiểu đường type I, Tiểu đường type II, và Tiểu đường thai kỳ.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường
2. Dấu hiệu của bệnh tiểu đường type I
Tiểu đường type I hay còn gọi là Đái tháo đường type I, xảy ra do phản ứng tự miễn làm cho cơ thể thiếu hoặc không sản xuất insulin. Dấu hiệu của bệnh tiểu đường type I không rõ ràng ở giai đoạn đầu dẫn đến hình thành sự chủ quan ở người bệnh, chỉ đến khi lượng insulin giảm xuống đến mức lượng đường huyết trong cơ thể người bệnh tăng cao hơn mức bình thường thì các triệu chứng mới bắt đầu xảy ra rõ rệt.
Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường type I thường xảy ra nhanh chóng trong vài ngày hoặc vài tuần với những triệu chứng điển hình như:
2.1. Cơ thể nhanh đói và mệt mỏi
Khi thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành glucose cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Nhưng các tế bào trong cơ thể cần hormon insulin để có thể hấp thụ được glucose. Khi mắc tiểu đường type I, cơ thể người bệnh sản xuất không đủ hoặc không sản xuất insulin. Lúc này glucose không thể được hấp thụ vào tế bào và khiến cho cơ thể người bệnh bị thiếu hụt năng lượng. Điều này có thể khiến cho cơ thể người mắc tiểu đường type I nhanh đói và mệt mỏi hơn lúc bình thường.
2.2. Đi tiểu thường xuyên hơn và nhanh khát hơn trong ngày
Thông thường một người khỏe mạnh phải đi tiểu từ bốn đến bảy lần trong một ngày, nhưng với những người mắc bệnh tiểu đường có thể đi tiểu nhiều hơn người bình thường rất nhiều lần. Nguyên nhân là do lượng glucose trong máu vượt quá ngưỡng hấp thu của thận dẫn đến thận không thể tái hấp thu tất cả lượng glucose đi qua. Điều này khiến cho cơ thể bài tiết ra nhiều nước tiểu hơn dẫn đến mất nước.
Đi tiểu nhiều là dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường
Kết quả là người mắc bệnh tiểu đường sẽ phải đi nhiều hơn trong ngày. Và đồng thời với việc phải đi tiểu rất nhiều, người bệnh sẽ nhanh khát và khi khát người bệnh lại phải uống nhiều hơn dẫn đến càng đi tiểu nhiều hơn.
2.3. Khô miệng và khô da
Nguyên nhân là do cơ thể người bệnh đi tiểu quá nhiều dẫn đến mất nước khiến cho độ ẩm trên những vị trí khác như da, niêm mạc giảm đi. Người bệnh sẽ cảm thấy khô miệng và khô da, bề mặt da có thể ngứa ngáy khó chịu.
2.4. Cân nặng giảm sút
Tuy bệnh nhân ăn nhiều nhưng không hấp thu được dinh dưỡng, lượng đường cũng bị đào thải qua nước tiểu, cơ thể phải lấy năng lượng từ mỡ và từ cơ. Đồng thời sự thiếu hụt insulin là giảm tổng hợp protein và mỡ, làm tăng quá trình tiêu mỡ, tiêu protein. Do đó dẫn đến hiện tượng sụt cân.
2.5. Thị lực suy giảm, nhìn mờ đi
Do lượng đường trong máu cao làm vỡ các mao mạch ở đáy mắt dẫn tới xuất huyết, gây phù nề đặc biệt phù tại hoàng điểm khiến thị lực giảm sút, mắt nhìn mờ mặc dù trước đó người bệnh không mắc các bệnh lý về mắt.
3. Dấu hiệu của bệnh tiểu đường type II
Tiểu đường type II hay đái tháo đường type II ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin. Khác với tiểu đường type I, ở người mắc tiểu đường type II, các tế bào trong cơ thể có sự đề kháng với insulin, nghĩa là không có phản ứng hormon insulin như trước đây nữa, mặc dù cơ thể vẫn sản xuất insulin.
Tiểu đường type II thường gặp ở người lớn tuổi, thường là trên 40 tuổi, bệnh cũng có thể xuất hiện ở người trẻ do yếu tố di truyền hoặc mắc bệnh béo phì.
Những dấu hiệu của bệnh tiểu đường type II vẫn diễn ra rất âm thầm thậm chí không có triệu chứng rầm rộ như bệnh tiểu đường type I. Người bệnh chỉ có thể được chẩn đoán đã mắc bệnh tiểu đường khi đang đi khám vì một bệnh khác nhưng vô tình xét nghiệm glucose máu hoặc dựa vào dấu hiệu bệnh tiểu đường khác như có vết thương nhiễm trùng lâu khỏi, khó liền.
Nhìn chung thì người bệnh có thể không bao giờ cảm nhận được các dấu hiệu của bệnh tiểu đường một cách rõ ràng. Bệnh đái tháo đường có thể phát triển âm thầm trong nhiều năm và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường có thể rất khó để chẩn đoán. Do vậy việc phát hiện những dấu hiệu của bệnh tiểu đường và điều trị sớm có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể biến chứng nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Việc xét nghiệm glucose máu có ý nghĩa quan trọng để chẩn đoán bệnh tiểu đường
Vì đều là bệnh tiểu đường nên tiểu đường type II cũng biểu hiện những dấu hiệu của bệnh tiểu đường tương tự như khi mắc tiểu đường type I. Sau đây là một số dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường type II có thể gặp phải như:
3.1. Cảm giác đau hoặc tê bàn tay, bàn chân
Khi mắc bệnh tiểu đường người bệnh có thể gặp cảm giác như bị kiến bò hoặc tê ở ngón tay, ngón chân, bàn tay, bàn chân. Đây là một dấu hiệu thần kinh hay gặp của bệnh tiểu đường, ở mức độ nhẹ chỉ tê bì thoáng chốc, nhưng khi đã xuất hiện dấu hiệu sưng, đau thì có nghĩa người bệnh đã bị tổn thương thần kinh nặng. Nếu không được điều trị sớm, những biến chứng nặng của bệnh tiểu đường sẽ ngày một trầm trọng hơn gây cản trở vận động của bệnh nhân.
3.2. Bị nhiễm trùng và nhiễm nấm
Bất kể đàn ông và phụ nữ khi mắc bệnh tiểu đường đều có thể mắc phải những thứ này. Nấm men rất thích ăn glucose, vì vậy lượng glucose xung quanh nhiều làm cho nấm men phát triển rất mạnh. Nhiễm trùng thường phát triển ở bất kỳ nếp gấp nào ở da, bao gồm: các kẽ ngón tay và ngón chân, các nếp gấp ở bụng, nếp gấp ở trong hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.
3.3. Vết loét chậm liền
Do lượng glucose trong máu cao có thể gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây tổn thương thần kinh khiến cho những vết thương khó chữa lành hơn.
3.4. Xuất hiện những mảng da tối màu
Nếu trên cơ thể bệnh nhân xuất hiện những mảng da tối màu bất thường, đặc biệt xuất hiện tại các nếp gấp của da như ở vùng nách, cổ, bụng, bẹn… Điều đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường type II. Dấu hiệu này còn có tên gọi là acanthosis nigricans, là một dấu hiệu của sự đề kháng insulin.
Xuất hiện những mảng da tối màu ở các nếp gấp ở cổ, nách, bẹn
4. Dấu hiệu của tiểu đường trong thời kỳ mang thai
Phụ nữ mang thai có tỷ lệ cao mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Đây là giai đoạn cơ thể phụ nữ ít nhạy cảm hơn với hormon insulin. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều mắc tiểu đường thai kỳ. Bệnh có thể hết sau khi sinh.
Lượng glucose trong máu cao khi mang thai thường không có triệu chứng đáng kể. Trong thời gian này thai phụ có thể cảm thấy khát hơn hoặc phải đi tiểu thường xuyên hơn bình thường. Thông thường chỉ phát hiện được bệnh khi thực hiện nghiệm pháp 3 mẫu glucose ở 28 tuần thai kỳ.
Trong một vài trường hợp không có một biểu hiện bất thường nào, bạn vẫn có khả năng bị bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên khám sức khỏe định kỳ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh tiểu đường.
Để biết thêm thông tin về bệnh tiểu đường, vui lòng liên hệ với Kochi qua:
Email: cskh@kochi.vn
Fanpage: Tỏi đen Kochi
Hotline: 024 6291 8086