Chuyên gia tư vấn, Góc sức khỏe, Tin tức nổi bật

Hạ Huyết Áp Và Cách Xử Trí Tại Nhà

hạ huyết áp tư thế

Huyết áp là một chỉ số vô cùng quan trọng đánh giá tình trạng sức khỏe con người. Ngoài tăng huyết áp thì hạ huyết áp cũng là một triệu chứng bệnh lý nhiều người quan tâm. Người bị hạ huyết áp có thể xây xẩm, chóng mặt và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, cách xử trí khi bị hạ huyết áp ra sao là điều mọi người đều nên nắm rõ để xử trí kịp thời khi cần thiết, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra.

1. Nhận biết dấu hiệu của hạ huyết áp.

Vậy như thế nào được gọi là hạ huyết áp? Cơ thể chúng ta khi bình thường luôn có rất nhiều cơ chế khác nhau để duy trì huyết áp và lượng máu để cung cấp đến các cơ quan. Tuy nhiên, khi có bệnh lý xảy ra, thì các cơ chế đó có thể không được đảm bảo và huyết áp sẽ không được duy trì trong mức an toàn.

Khi đó huyết áp có thể tăng cao hoặc hạ thấp. Một người được coi là hạ huyết áp khi huyết áp tâm thu động mạch <90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trường <60 mmHg.

Nếu như tình trạng hạ huyết áp xảy ra một cách đột ngột sẽ dẫn tới các triệu chứng như hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, rối loạn ý thức,… Điều đó là do khi hạ huyết áp đột ngột, lượng oxy đưa lên để cung cấp cho não bị giảm dẫn đến giảm hoạt động chức năng của tổ chức thần kinh.

Nếu tình trạng này xảy ra lâu dài mà không được khắc phục sẽ dẫn tới các tế bào não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng, có thể gây thiểu năng tuần hoàn não và gây chết các tế bào não.

2. Cần làm gì khi bị hạ huyết áp?

Việc xử trí ngay lập tức và kịp thời khi bị hạ huyết áp là vô cùng quan trọng, có thể giảm thiểu tối đa các biến chứng và cứu sống tính mạng bệnh nhân. Quá trình sơ cứu hạ huyết áp phải được thực hiện một cách nhanh chóng và đúng cách, nếu không có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…

Khi tiếp xúc với người bị hạ huyết áp, việc đầu tiên là cần hỏi, xem xét xem người đó có tiền sử bệnh tiểu đường và đang dùng thuốc hay không? Vì rất có nhiều trường hợp cơn hạ đường huyết có các triệu chứng tương tự như cơn hạ huyết áp và đã bị xác định nhầm.

Nếu người đó không có tiền sử bệnh tiểu đường thì có thể loại đi khả năng người đó bị cơn hạ đường huyết.  Lúc này ta sẽ tập trung sơ cứu hạ huyết áp. Quá trình sơ cứu đúng cách cần được thực hiện theo các bước sau đây:

  • Đầu tiên, chúng ta cần phải giữ thái độ bình tĩnh, nhưng khẩn trương, nhẹ nhàng để bệnh nhân ngồi hoặc nằm xuống giường (hay bất kỳ mặt phẳng nào sẵn có). Chú ý dùng gối kê cao đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu một chút.

trà gừng mật ong giúp chữa hạ huyết áp

Trà gừng mật ong làm tăng áp suất thẩm thấu máu chữa hạ huyết áp.

  • Cho bệnh nhân uống một ly trà gừng ấm, cà phê,… hay bất cứ thức ăn đậm muối nào sẵn có, điều này sẽ giúp tăng áp suất thẩm thấu máu, giúp lấy thêm nước vào lòng mạch, từ làm tăng huyết áp. Nếu không có những thứ đó, ta có thể cho bệnh nhân uống sẵn nước lọc.
  • Ngoài ra, nếu bệnh nhân đã có tiền sử bệnh lý trước đó và đã được bác sĩ chỉ định kê đơn điều trị nội khoa, hãy cho bệnh nhân uống thuốc ngay lập tức. Việc này sẽ làm giảm thiểu các diễn biến xấu và biến chứng có thể xảy ra của hạ huyết áp.
  • Nếu sau đó tình trạng của người bệnh được cải thiện, hãy đỡ bệnh nhân ngồi dậy một cách chậm rãi, từ từ, nhắc họ vận động chân tay trước khi ngồi dậy để cơ thể làm quen dần.
  • Nếu như người bệnh không cảm thấy đỡ hơn hãy nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa kịp thời.

3. Dự phòng hạ huyết áp

Đối với những người mắc bệnh tim mạch nói chung và chứng hạ huyết áp nói riêng nên ăn mặn hơn người bình thường, đảm bảo lượng muối trong khẩu phần bữa ăn, tránh ăn quá nhạt sẽ làm giảm nồng độ các ion vô cơ, giảm áp suất thẩm thấu máu, cuối cùng dẫn đến giảm thể tích của máu và hạ huyết áp.

Ăn đủ bữa, mỗi bữa đủ khẩu phần chất dinh dưỡng, đa dạng các loại vitamin. Tránh sử dụng các chất kích thích như bia rượu,…

Để đảm bảo cho huyết áp luôn được duy trì ổn định chúng ta cũng cần phải uống đủ nước. Đảm bảo lượng nước vào ra hằng ngày trong cơ thể. Để duy trì nồng độ các chất trong môi trường nội môi nằm trong giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng lịch làm việc sinh hoạt một cách khoa học, lành mạnh và điều độ. Hãy thay đổi thói quen ngủ muộn và tập thức dậy sớm, tập thể dục thường xuyên, nhất là các môn thể thao như chạy bộ, đạp xe đạp, golf,…

Tuy nhiên tránh các hoạt động quá sức hay các công việc phải thay đổi tư thế nhiều, nhanh , đột ngột, các hoạt động nên diễn ra một cách nhẹ nhàng, từ từ. Khi nằm ngủ, chúng ta hãy chú ý nên kê đệm lót vùng đầu cổ và chân, tuy nhiên để gối đầu thấp, chân cao. Tạo điền kiện tuần hoàn cho máu tới não.

Nếu công việc bắt buộc phải đứng lâu  nên mang các tất áp lực hay mặc quần bó để tránh dồn ứ máu ở chân thạo thuận lợi để chúng trở về tim. Ngoài ra, cần giữ cho tâm lý thoải mái, tinh thần lạc quan, ổn định, vui vẻ, tránh xúc động mạnh, sợ hãi , lo lắng,…

Bên cạnh đó, vào những ngày thời tiết nóng nực, khi làm việc hay hoạt động ngoài trời trong một khoảng thời gian dài, nhiệt độ môi trường và quá trình giải nhiệt, thoát mồ hôi của cơ thể sẽ khiến cơ thể mất một lượng nước tương đối lớn mà chính bản thân chúng ta cũng không cảm nhận được.

Chính vì điều đó, việc liên tục uống nước, bù đủ nước cho cơ thể là cực kì cần thiết.

uống nước nhiều chống hạ huyết áp

Uống đủ nước giúp hạn chế tối đa nguy cơ hạ huyết áp ở người bệnh.

Ngoài ra, việc đảm bảo uống đủ lượng nước rất quan trọng, nó sẽ đảm bảo thể tích máu duy trì trong cơ thể và hạn chế tối đa nguy cơ hạ huyết áp ở người bệnh. Tuy nhiên, khi chúng ta hoạt động thể lực, cơ thể bị mất nước khá nhiều, máu trở nên cô đặc do thiếu nước đồng thời cũng thiếu các ion khoáng quan trọng đã bị mất đi theo quá trình bài tiết mồ hôi.

Nếu chỉ uống nước lọc hoặc nước tinh khiết, nó có thể thỏa mãn cơn khát và giải quyết phần nào tình trạng mất nước và huyết áp nhưng lại cơ thể dễ rơi vào trạng thái thiếu khoáng trầm trọng.

Các tế bào lúc đó đã thiếu muối lại càng phải đẩy các ion Na+, K+ ra ngoài dịch ngoại bào để trung hòa lượng nước mới được nạp thêm vào dẫn đến các triệu chứng như thờ ơ, lơ mơ, chóng mặt hay thậm chí là co giật. Nhất là khi chúng ta đang tham gia các môn thể thao hay làm các công việc nguy hiểm hoặc đòi hỏi độ chính xác cao thì các triệu chứng trên xảy ra sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Vì vậy cần lưu ý khi uống nước cần uống nước loại nước có pha sẵn muối khoáng, hoặc chúng ta có thể tự pha một dung dịch điện giải bằng cách bỏ thêm muối hay bột pha dung dịch oresol vào, như thế chúng ta vừa giải được cơn khát vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân.

Ngoài nhưng việc kể trên, chúng ta cũng cần phải biết cách phân bố thời gian lao động một cách hợp lý, tránh hoạt động hay làm việc vào những giờ nắng gắt, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng giữa trưa, xen kẽ khoảng giải lao để bồi đắp tuần hoàn, tránh thúc đẩy tế bào vào tình trạng mất nước, suy kiệt.

Trên đây là một số kiến thức và phương pháp xử lý khi hạ huyết áp, tuy nhiên chúng ta cần nhớ rằng, việc quan trọng nhất là phải thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà của bản thân và gia đình, nắm được tình trạng sức khỏe của mọi người và kịp thời can thiệp. Nếu khi hạ huyết áp mà áp dụng các phương pháp trên không có kết quả hoặc đi kèm các chấn thương, tổn thương mất máu thì phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cứu chữa.

Nếu bạn có điều gì cần trao đổi thêm, hãy liên hệ với KOCHI:

Fanpage: Kochi

Hotline: 024 6291 8086

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *