Huyết áp luôn được xem là một trong những chỉ số quan trọng giúp các bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, cụ thể hơn là sức khỏe và tình hình hoạt động của tim mạch. Vậy huyết áp bình thường là như thế nào? Khi nào thì được coi là an toàn? Hãy cùng KOCHI làm rõ qua bài viết dưới đây nhé.
Nội Dung
1. Huyết áp bình thường là gì?
Huyết áp được tạo ra nhờ lực co bóp của tim cùng sức cản của động mạch, là áp lực máu cần thiết tác động lên trên thành động mạch để đưa máu đi nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.
Để có thể đánh giá huyết áp bình thường là như thế nào, người ta dựa vào 2 chỉ số:
- Huyết áp tâm thu, còn gọi là huyết áp tối đa (số trên): Áp lực của máu đo được khi tim đang đập, thường có giá trị cao hơn.
- Huyết áp tâm trương, còn gọi là huyết áp tối thiểu (số dưới): Áp suất trong động mạch giữa 2 lần đập của tim, thường có giá trị thấp hơn.
Huyết áp bình thường là gì?
Bên cạnh đó cần phải căn cứ dựa vào khoảng cách giữa 2 chỉ số này. Khoảng cách càng rộng, mức huyết áp của người bệnh càng an toàn. Ngược lại, khoảng cách càng hẹp dự báo nguy cơ biến chứng sẽ càng trầm trọng.
Đối với người trưởng thành, chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg được coi là mức huyết áp bình thường, thể hiện người đó có tốc độ bơm máu trung bình, máu lưu thông đều, sức khỏe ổn định.
Khi huyết áp tâm thu có giá trị từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương có giá trị từ 90 mmHg trở lên thì được chẩn đoán là cao huyết áp. Giai đoạn tiền cao huyết áp tức là khi có giá trị đo được nằm giữa huyết áp bình thường và cao huyết áp (huyết áp tâm thu đo được với giá trị từ 120 – 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 – 90 mmHg thì được gọi là tiền cao huyết áp. Huyết áp thấp (hạ huyết áp) được chẩn đoán khi huyết áp tâm thu đo được có giá trị dưới 100 mmHg.
Để căn cứ kết luận một người huyết áp bình thường, cao huyết áp hay hạ huyết áp hay không, người ta cần căn cứ vào trị số đo huyết áp của nhiều ngày chứ không phải một ngày. Vì vậy, phải đo huyết áp thường xuyên, theo dõi trong nhiều ngày và nhiều lần trong ngày. Ở một số người, huyết áp có thể tăng bất thường do quá xúc cảm, stress hoặc sau khi uống rượu, bia, lao động thể chất nặng,…
2. Yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp bình thường
Huyết áp một người có thể không ổn định, lúc lên lúc xuống tùy thuộc vào các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, cũng như cảm xúc của bệnh nhân lúc đo huyết áp. Do đó để có thể xác định chính xác một người có bị huyết áp cao hay không, cần phải tiến hành đo nhiều lần trong ngày, thậm chí trong tháng.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tuân thủ những yêu cầu, quy tắc khi đo huyết áp như không uống cà phê, không hút thuốc lá trước khi đo từ 15 – 30 phút, giữ cho tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh lo lắng, hồi hộp, căng thẳng,…
Ngoài ra, tư thế đo đúng, dụng cụ đo chuẩn cũng là yếu tố quyết định, đảm bảo cho kết quả chính xác, trở thành cơ sở đáng tin cậy cho việc đánh giá tình trạng sức khỏe người bệnh.
3. Huyết áp bình thường theo nhóm tuổi
3.1 Nhóm trẻ sơ sinh và trẻ em
Các nghiên cứu chỉ ra rằng áp có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Trẻ sơ sinh là nhóm có chỉ số huyết áp thấp nhất. Do đó, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường ít có nguy cơ mắc các vấn đề về huyết áp, các chỉ số này cũng sẽ không được kiểm tra thường xuyên.
Để có thể xác định được mức huyết áp bình thường của trẻ, thầy thuốc cần phải tiến hành đo dựa trên độ tuổi, cân nặng cũng như chiều cao của chúng.
Huyết áp bình thường theo nhóm tuổi
3.2 Nhóm thanh thiếu niên, người trưởng thành, người cao tuổi
Từ lứa tuổi thanh thiếu niên trở đi, chỉ huyết áp bình thường được quy định là dưới 120/80 mmHg. Khi một trong hai con số này quá cao sẽ được coi là tình trạng huyết áp bất thường.
Tuy nhiên, vì huyết áp có xu hướng tăng theo độ tuổi, chỉ số huyết áp ổn định của những người trong độ tuổi 60–64 có thể lên tới 134/78 mmHg.
4. Huyết áp bình thường đối với phụ nữ có thai
4.1 Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ có thai. Những mẹ bầu dễ bị cao huyết áp trong thai kỳ bao gồm:
- Tiền sản giật ở thai kỳ trước.
- Tuổi >40 hoặc <18.
- Tăng huyết áp mạn tính.
- Bệnh thận mạn.
- Các bệnh tự miễn.
- Đái tháo đường.
- Béo phì.
- Có thai bằng thụ tinh nhân tạo.
- Đa thai.
- Thay đổi thời tiết.
- Chế độ dinh dưỡng kém.
- Thiếu máu trầm trọng.
4.2 Hạ huyết áp thai kỳ
Phụ nữ mang thai cũng có khi không duy trì được mức huyết áp bình thường mà lại bị tụt huyết áp. Nguyên nhân là do sự gia tăng lưu lượng máu để có thể nuôi dưỡng thai nhi. Đôi khi cũng có thể do mẹ bầu có tiền sử bị hạ huyết áp, mang đa thai, hay mắc các bệnh về tim mạch, bệnh thận. Mất nước, thiếu máu, thiếu acid folic và vitamin B12 cũng gây nên hạ huyết áp thai kỳ.
Do đó, phụ nữ có thai nên đến gặp bác sĩ thường xuyên để được kiểm tra, theo dõi tình trạng huyết áp của mình.
5. Cần làm gì để duy trì huyết áp bình thường?
Khi bạn càng lớn tuổi thì việc duy trì chỉ số huyết áp bình thường càng quan trọng hơn. Để giữ mức huyết áp ổn định, có thể áp dụng những cách sau:
- Tuân theo một chế độ ăn uống khoa hợp lý, khoa học, đầy đủ dinh dưỡng. Bạn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, bổ sung nhiều rau củ và trái cây vào thực đơn của mình, đồng thời tránh xa đồ uống có cồn, rượu bia, thuốc lá, nhằm ngăn ngừa các biến chứng huyết áp. Ngoài ra khi chế biến món ăn, việc sử dụng muối ăn, nấu ăn mặn là một trong những thói quen dẫn đến cao huyết áp. Vì vậy cần hạn chế.
Tuân theo chế độ ăn hợp lý để duy trì huyết áp bình thường
- Duy trì việc tập thể dục thể thao thường xuyên, đều đặn hàng ngày. Có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ để lựa chọn ra các hoạt động phù hợp với tình trạng cơ thể, trạng thái thể chất của mình, tránh làm cho huyết áp tăng lên quá cao hay hạ xuống quá thấp. Có thể lựa chọn những môn thể thao yêu thích, tập luyện 5 buổi/tuần, mỗi buổi với thời gian 30 phút vừa giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, huyết áp ổn định và tốt cho vóc dáng của bạn. Những người cao huyết áp, có tiền sử bệnh lý liên quan đến tim mạch thì nên tham khỏa ý kiến bác sĩ để chọn lựa và có kế hoạch tập luyện phù hợp.
- Kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp với cơ thể: Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ, tránh để cho béo phì. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ bị cao huyết áp. Hơn thế nữa, duy trì một cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì còn giúp tránh được nhiều loại bệnh khác, mang lại sự tự tin vẻ bề ngoài cho bạn.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng cách tự đo huyết áp tại nhà. Việc đo huyết áp định kỳ có thể giúp sớm phát hiện ra những thay đổi bất thường như huyết áp cao hay huyết áp thấp. Đây là một trong những phương pháp đơn giản mà hiệu quả trong chẩn đoán bệnh, giúp ta sớm phát hiện bệnh để có phương án chữa trị kịp thời, hợp lý.
Nói tóm lại, việc nắm rõ những thông tin về huyết áp bình thường là vô cùng cần thiết, giúp giữ cho chỉ số huyết áp luôn ở mức độ ổn định. Từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, góp phần duy trì và nâng cao sức khỏe bản thân cũng như những người thân xung quanh.