Bên cạnh các thuốc điều trị đặc hiệu cho việc kiểm soát mức cholesterol máu thì các bác sĩ chuyên khoa thường khuyến khích nhóm bệnh nhân này kết hợp sử dụng các dược liệu có tác dụng hạ lipid máu như tỏi tươi, tỏi đen, ngưu tất, đông trùng hạ thảo… Một trong số các dược liệu đơn giản, dễ sử dụng, có hiệu quả cao đó là tỏi tươi, một loại gia vị truyền thống của người dân Việt Nam và các nước châu Á. Vậy tác dụng hạ lipid của tỏi tươi được thể hiện như thế nào? Câu hỏi này đã được trả lời một cách chính đáng bằng nghiên cứu của Karin Ried và cộng sự (2013) một nghiên cứu phân tích meta đánh giá tác dụng hạ cholesterol máu của tỏi tươi. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở những bệnh nhân nồng độ cholesterol máu cao (>200 mg/dl) sử dụng tỏi tươi với liều 4-10g/ngày trong 2 tháng thì nồng độ cholesterol toàn phần huyết thanh giảm 17± 6 mg/dl và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) giảm 9± 6 mg/dl, trong khi chỉ số lipoprotein tỷ trọng cao và tryglycerid không thay đổi [5]. Tuy nhiên, tỏi tươi có một nhược điểm đó là vị cay, hăng, hôi gây cảm giác khó chịu khi sử dụng từ đó nhiều người không thể sử dụng trực tiếp tỏi tươi. Điều này, đặt ra cho các nhà khoa học một vấn đề lớn là cần cải tiến mùi vị của tỏi mà vẫn giữ nguyên hoặc làm tăng các tác dụng tốt của tỏi.
Cuối cùng, sau nhiều thử nghiệm nghiên cứu sản xuất, vào năm 1999 Ông Kamimura tại tỉnh Mie Nhật Bản đã tạo ra một loại thực phẩm đặc biệt với tên gọi là tỏi đen (Black Garlic) bằng cách lên men tỏi tươi ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp mà không sử dụng bất kỳ phụ gia nào. Tỏi đen có vị ngọt, không còn mùi hăng của tỏi tươi và có thể ăn trực tiếp sau khi bóc vỏ. Ông Kamimura đã được cấp bằng sáng chế về sản xuất tỏi đen từ Cơ quan sáng chế Nhật Bản [6]. Các nghiên cứu đã chứng minh chứa S – allyl – L – cystein và các dẫn chất acid amin lưu huỳnh khác song do quá trình biến đổi bởi nhiệt và ẩm tỏi đen không chứa Allicin hợp chất chính có tác dụng oxy hóa mạnh nhưng gây ra mùi hăng, cay khó chịu của tỏi tươi, ngoài ra tỏi đen có chứa các hợp chất flavonoid, các đường khử, acid amin, vitamin và khoáng chất. Vậy khi có thành phần hóa học biến đổi nhiều so với tỏi tươi, tỏi đen có còn giữ được tác dụng hạ lipid máu?
Kể từ sau khi được sản xuất thành công đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh tác dụng hạ cholesterol máu của tỏi đen [1, 3, 4]. Đặc biệt, sau gần 15 năm được sử dụng, năm 2014 nghiên cứu của Eun- Soo Jung và cộng sự (2014) đã chứng minh ở nhóm người dùng 6g/ ngày vào sáng và tối trong vòng 12 tuần giúp tăng lipoproteine tỷ trọng cao (HDL) so với nhóm dùng giả dược, nghiên cứu còn chỉ ra việc dùng tỏi đen giúp giữ nguyên mắc LDL và giảm allpoprotein B một dấu hiệu chỉ ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch [2].
Như vậy, từ các thông tin về đặc điểm, mùi vị và tác dụng tốt ở trên, tôi chắc chắn các bạn đã sẵn sàng sử dụng và giới thiệu tỏi đen cho bản thân và những người xung quanh đặc biệt là những người đang có các rối loạn về cholesterol máu.
Ngoài tác dụng giảm mỡ máu hiệu quả ở trên, tỏi đen còn có nhiều tác dụng tốt khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ae Wha Ha, Tian Ying và Woo Kyoung Kim (2015), “The effects of black garlic (Allium satvium) extracts on lipid metabolism in rats fed a high fat diet“, Nutrition research and practice. 9(1), tr. 30-36.
2. E. S Jung và các cộng sự. (2014), “Reduction of blood lipid parameters by a 12-wk supplementation of aged black garlic: a randomized controlled trial“, Nutrition. 30(9), tr. 1034-1039.
3. Inhye Kim và các cộng sự. (2011), “The beneficial effects of aged black garlic extract on obesity and hyperlipidemia in rats fed a high-fat diet“, Journal of Medicinal Plants Research. 5(14), tr. 3159-3168.
4. Hyun-Sook Lee, Seung-Taek Yang và Beung-Ho Ryu (2011), “Effects of aged black garlic extract on lipid improvement in rats fed with high fat-cholesterol diet“, Journal of Life Science. 21(6), tr. 884-892.
5. K. Ried, C. Toben và P. Fakler (2013), “Effect of garlic on serum lipids: an updated meta-analysis“, Nutr Rev. 71(5), tr. 282-99.
6. Jin Ichi Sasaki (2015), “Overview of the Black Garlic Movement in the Fields of Research and Marketing“, Journal of Life Sciences. 9, tr. 65-74.