Việc sử dụng các thảo dược để điều trị và bảo vệ sức khỏe chắc hẳn không còn xa lạ gì với nhân dân ta. Hiệu quả của các loại thảo dược trong công cuộc bảo vệ sức khỏe là không thể chối cãi. Tuy nhiên, các loại thảo dược nếu dùng sai cách sẽ dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn. Bài viết này sẽ cung cấp cho các bạn một số điều bạn cần biết về hà thủ ô tươi để tránh việc dùng dược liệu này sai cách sẽ mang lại những hậu quả đáng tiếc.
Nội Dung
1. Vài nét về dược liệu hà thủ ô tươi
Cây Hà thủ ô đỏ hay còn được biết với nhiều tên gọi khác là thủ ô, giao đằng, dạ hợp, địa tinh, khua lình (Thái), mãn đăng tua lình (Lào – Sầm Nưa), mần đăng ón (Thổ)… .
Tên khoa học của hà thủ ô đỏ là Fallopia multiflora (Thunb.), thuộc học Rau răm (Polygonaceae), là loài câu ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và vùng nhiệt đới núi cao. Nơi mọc thích hợp nhất là các quần thể rừng núi đá vôi có độ cao tới 1700 m. Ở nước ta, hà thủ ô thường mọc tự nhiên ở đồi núi với độ cao trên 1000 m như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La,… . Trước đây, dược liệu này mọc hoang và khai thác trong tự nhiên, tuy nhiên hiện nay, một số tỉnh trung du và miền núi phía bắc đã bắt đầu trồng hà thủ ô đỏ với mục đích kinh tế và đôi khi là bảo. Trên thế giới, hà thủ ô đỏ mọc tự nhiên ở nhiều nước như Lào, Ấn Độ, Nhật Bản, đặc biệt là Trung Quốc – nơi có nền y học cổ truyền phát triển rất sớm. Dược liệu thường dùng là rễ hà thủ ô tươi sau khi thu hoạch từ cây có tuổi thọ 3 – 5 năm.
Theo phân loại của y học cổ truyền, dược liệu hà thủ ô đỏ thuộc nhóm hoạt huyết, có vị đắng, chát tính ấm, quy kinh can, thận. Công năng, chủ trị: bổ khí huyết, bổ thận âm, giải độc chống viêm, nhuận tràng thông tiện,… . Hơn thế, từ xa xưa, dược liệu này được biết đến như một thần dược giúp mọc tóc, làm đen tóc “ xanh tóc đỏ da”.
ảnh hà thủ ô tươi
2. Những hoạt chất có trong rễ hà thủ ô tươi
Những công dụng kì diệu như trên là do sự có mặt của một số nhóm chất có tác dụng dược lý như: Anthranoid, Stilbens, Flavonoid, Naphtolic, Tanin, Phospholipid, Protid, chất béo, chất vô cơ, các chất tan trong nước, tinh bột… .Trong đó, tinh bột và các chất tan trong nước chiếm tỉ lệ nhiều nhất lần lượt là 45,2 và 26,4%.
Những nhóm hoạt chất trên đem lại cho hà thủ ô đỏ các công dụng như: bổ huyết, giúp tăng số lượng hồng cầu, làm đen râu tóc với người bạc tóc sớm, giúp tóc đỡ khô và đỡ rụng nhiều, bổ thần kinh, an thần, giúp ngủ tốt, bổ gan, bảo vệ gan, chống tăng men gan, bổ thận, chống viêm, giảm cholesterol và triglycerid máu, tăng tiết sữa, nhuận tràng và cải thiện dinh dưỡng… .Ví dụ, hoạt chất 2, 3, 5, 4-tetrahydroxystilbene 2 – O – β – D – glucopyranoside (THSG) là một Stilbens có trong hà thủ ô đỏ có tác dụng chống lão hóa, chống oxy hóa, bảo vệ tế bào thần kinh, kích thích mọc tóc. Hay emodin được nghiên cứu có tác dụng bảo vệ gan, giảm triglycerid và cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp – đây là những thành phần không tốt ở máu. Tác dụng này tốt cho người có mỡ máu cao với tỉ lệ cholesterol và triglycerid cao.
Điều đặc biệt ở đây là sự có mặt của cả 2 nhóm chất có tác dụng trái ngược nhau là Anthranoid (1,7%) và Tanin. Các anthranoid nhóm nhuận tẩy có trong hà thủ ô tươi có tác dụng nhận tràng nhưng một trong những tác dụng của các tanin là giảm nhu động ruột, thường dùng trong bệnh ỉa chảy. Như vậy, khi sử dụng hà thủ ô tươi, chưa qua chế biến, 2 nhóm chất trên sẽ là nguyên nhân chính của hậu quả rối loạn tiêu hóa, dễ gây mất nước, mất điện giải của cơ thể. Hơn nữa, khi chưa được chế biến, nó sẽ tăng khả năng gây hại cho gan. Đồng thời với việc giảm tác dụng không mong muốn, hà thủ ô tươi sau khi được chế biến sẽ giúp tăng tác dụng bổ dưỡng, tăng tác dụng quy kinh.
Tóm lại, sử dụng hà thủ ô tươi không đúng cách không những không khai thác được hết các công dụng mà còn gây ra một số tác dụng không mong muốn cho người dùng, khó bảo quản. Đây là điều cần tránh nhất khi sử dụng hà thủ ô tươi.
Để khắc phục hậu quả trên, chúng ta phải chế biến dược liệu này. Phần sau đây sẽ giới thiệu cho chúng ta một trong những cách chế biển hà thủ ô tươi hay dùng nhất.
thành phần hóa học của hà thủ ô tươi
3. Cách chế biến hà thủ ô tươi hay dùng
Có nhiều phương pháp chế biến hà thủ ô tươi khác nhau, nhưng đa số các phương pháp đều dựa trên công thức “ cửu chưng cửu sái” của y học cổ truyền, quy trình tóm tắt: ngâm hà thủ ô tươi với nước vo gạo, sau đó đem chưng với nước đậu đen rồi đem phơi, quá trình chưng và phơi được lặp đi lặp lại trong 9 lần xen kẽ, ta được hà thủ ô chế.
Dưới đây là 1 phương pháp chế biến hà thủ ô tươi hiện nay hay dùng: Lấy củ tươi có khối lượng từ 0,5 kg trở lên, rửa sạch, cắt khúc rồi ngâm nước vo gạo 24 – 48 giờ, trong quá trình này mỗi ngày ta thay nước 2 lần. Sau đó ta rửa lại nước 1 lần nữa. Ninh chín hà thủ ô đỏ với nước đậu đen xanh lòng (tỷ lệ 1:5 với hà thủ ô tươi và đậu đen xanh lòng. Hoặc tính theo tỉ lệ 1 kg hà thủ ô cần 100 g đậu đen và 2 lít nước). Thời gian ninh từ 48 – 72 giờ tới khi hà thủ ô đỏ chín ngậy, ít chát rồi lại vớt ra, bỏ lõi, thái lát. Sau đó, thực hiện sấy – tẩm tới khi hết chỗ nước ninh hà thủ ô đỏ ở trên. Sấy khô kiệt miếng hà thủ ô đỏ chế rồi bảo quản kín tránh ẩm mốc, muối mọt. Hà thủ ô đỏ chế rất dễ sử dụng với cảm quan và mùi vị: màu nâu đen, mùi thơm hòa quyện của nước đậu đen và dược liệu, nước pha màu đỏ thơm, vị ngậy, hơi ngọt, hơi chát, gần như không đắng. Khi sử dụng, bạn nên tiếp tục trộn với đỗ đen xanh lòng rang chín giúp tăng hiệu quả của hà thủ ô đỏ chế.
Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm hà thủ ô chế tiện lợi ở dạng bột hoặc dạng miếng khi dùng chỉ cần hãm hoặc sắc nước. Tuy nhiên, bạn cần phải tìm hiểu những sản phẩm uy tín để tránh mua phải sảm phẩm kém chất lượng làm cho tổn thất cả về sức khỏe và kinh tế.
cách chế biến hà thủ ô đúng
4. Những đối tượng nên và không nên dùng hà thủ ô
Kể cả là hà thủ ô tươi hay chế biến thì đây cũng là một vị dược liệu và nó sẽ có những đối tượng nên và không nên dùng nhất định. Tất nhiên khi là hà thủ ô tươi, mọi đối tượng đều không nên dùng. Còn với dạng đã đã chế biến thì đối tượng nên dùng là:
- Những người có biểu hiện hoặc được chẩn đoán huyết hư, thiếu máu, đại tiểu tiện ra máu.
- Những người tóc bạc sớm, tóc khô và rụng nhiều, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi.
- Những người bị thần kinh suy nhược, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, tim hồi hộp (hay gặp với người cao tuổi).
- Người bị men gan tăng hay thận suy, thận yếu, đau lương, mỏi gối, di mộng tinh, khí hư.
- Một số vấn đề của phụ nữ như kinh nguyệt không đều, phụ nữ sau sinh, các bệnh xích bạch đới.
- Có thể dùng để phục hồi sức khỏe người già sau khi bị bệnh.
- Người có mỡ máu cao với tỉ lệ cholesterol và triglycerid cao.
Đối tượng không nên dùng là những người có huyết áp thấp, đường huyết thấp, bà bầu, hay những người có vấn đề về tiêu hóa.
hà thủ ô tươi và các bệnh tóc bạc sớm
Kết luận: Hà thủ ô đỏ là một dược liệu có nhiều công dụng tốt, tuy nhiên nếu sử dụng trực tiếp hà thủ ô tươi thì sẽ đem lại một số tác dụng xấu cho người sử dụng. Mặc dù giai đoạn chế biến hà thủ ô tươi có hơi cầu kì nhưng tác dụng của việc chế biến này lại rất to lớn. Sau khi đọc bài viết, hi vọng bạn sẽ biết cách chế biến và sử dụng đúng cách, đúng đối tượng dược liệu này.
Hy vọng, qua bài viết này bạn đã biết lí do không nên dùng hà thủ ô tươi và cách chế biến. Từ đó sử dụng dược liệu này phù hợp nhất. Nếu có bất cứ vấn đề gì cần giải đáp hãy liên hệ ngay với Kochi theo hotline: 0246.291.8086 để chúng tôi giúp bạn tạo nên một thế hệ sức khỏe vàng.