Ung thư thực quản đứng hàng thứ 8 trên tổng số những loại ung thư phổ biến trên thế giới. Đây là loại ung thư có tiên lượng xấu vì khi phát hiện được bệnh trên lâm sàng thì u đã ở giai đoạn tiến triển. Vì vậy, mọi người cần tìm hiểu về ung thư thực quản để có thể phát hiện bệnh sớm, từ đó giúp nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.
Nội Dung
1. Ung Thư Thực Quản là gì?
Thực quản là 1 ống tiêu hóa chứa chất lỏng và thức ăn đi từ họng rồi đổ xuống dạ dày.
Ung thư bắt nguồn từ thực quản gồm 02 loại chính là ung thư biểu mô tuyến tụy và ung thư biểu mô vảy, tùy thuộc vào loại tế bào mắc ung thư. Ung thư biểu mô vảy sẽ xuất phát từ tế bào có dạng biểu bì của thành thực quản, nó thường xuất hiện ở phần giữa và phần trên thực quản. Ung thư biểu mô tuyến có nguồn gốc từ tổ chức tuyến nằm ở phần dưới của thực quản.
Thời gian dài, ung thư sẽ dần xâm nhập sâu vào các lớp thành thực quản, và do thanh mạc không có ở thực quản nên u sẽ nhanh chóng di chuyển xâm lấn sang các cơ quan xung quanh.
Các tế bào ung thư lây lan tương đối nhanh và có thể đi vào mạch bạch huyết hoặc mạch máu quanh thực quản, sau đó nó sẽ nhanh chóng di căn vào các hạch khi bệnh mới bắt đầu và di căn ra khắp các cơ quan trong cơ thể như gan, phổi…
2. Nguyên nhân khiến mắc ung thư thực quản
Cũng như các loại ung thư khác, nguyên nhân của ung thư thực quản vẫn chưa thể xác định một cách chính xác. Tuy nhiên, mọi người có thể dựa vào những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh để có những cách phòng tránh thích hợp.
– Uống rượu và hút thuốc lá thường xuyên: Đây thói quen xấu rất phổ biến ở nam giới. Những người uống rượu thường xuyên sẽ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn so với những người không sử dụng rượu bia, đặc biệt nguy cơ sẽ tăng cao ở những người sử dụng đồng thời cả rượu và thuốc lá.
Những người sử dụng đồng thời rượu bia và thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh cao
– Chế độ ăn uống: Sử dụng những thực phẩm chứa lượng lớn nitrit và nitrat (như cà muối, thịt muối, dưa muối…) hoặc chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo, ăn đồ cay nóng, rán, chiên, đồ nướng sẽ gây tổn thương niêm mạc thực quản, làm tăng nguy cơ mắc bệnh
– Các tổn thương thực quản như sẹo bỏng thực quản, viêm thực quản, bệnh co thắt tâm vị,…
– Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh ung thư thực quản.
– Người thừa cân hay béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc ung thư.
– Yếu tố giới tính, tuổi: Nam giới chiếm khoảng 80% tỷ lệ người mắc ung thư, độ tuổi mắc bệnh thường trong khoảng 55 đến 80 tuổi.
3. Triệu chứng bệnh
Ung thư thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng phổ biến hay gặp là:
– Nuốt nghẹn: Khi nuốt thức ăn có cảm giác bị mắc/vướng trong thực quản, có thể bị nôn. Cảm giác nuốt nghẹn sẽ tăng dần từ thực ăn dạng đặc, rắn tới thức ăn dạng lỏng. Thường khi có triệu chứng này thì ung thư đã ở giai đoạn muộn.
Triệu chứng nuốt nghẹn thường gặp ở bệnh nhân ung thư thực quản
– Nôn: Xuất hiện kèm với nuốt nghẹn rõ rệt. Nôn có thể xảy ra trong hoặc sau khi ăn. Chất nôn là những thức ăn vừa mới nuốt, không lẫn dịch vị và có thể có máu trong chất nôn.
– Tăng tiết nước bọt: Khi người bệnh nuốt nghẹn thường xuyên sẽ khiến lượng nước bọt xuống được dạ dày ít, khiến bệnh nhân phải thường xuyên nhổ nước bọt.
– Sụt cân: Người bệnh suy kiệt, gầy sút, thiếu máu.
– Các triệu chứng khác: Khó thở, ho, sặc, khàn tiếng hay ho không hết trong 2 tuần, đau khi nuốt, tức vùng xương ức khi nuốt, đau bụng,…
4. Phương pháp chẩn đoán bệnh
Theo các chuyên gia y tế, khoảng 50% bệnh nhân phát hiện được bệnh ung thư thực quản khi bệnh đã vào giai đoạn muộn, khiến bệnh có tỷ lệ chữa khỏi không cao và tốn kém. Để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, giúp việc điều trị có hiệu quả, việc khám sàng lọc rất cần thiết.
Sau khi tìm hiểu về tiền sử các bệnh lý và tiền hành khám lâm sàng, bác sĩ chuyên môn sẽ thực hiện các chẩn đoán sau:
– Nội soi thực quản: Phương pháp này giúp bác sĩ xác định được vị trí chính xác, hình dạng và tình trạng viêm loét xung quanh khối u. Đồng thời, nó còn giúp lấy mẫu bệnh phẩm một cách chính xác để nghiên cứu tế bào thực quản dưới kính hiển vi, giúp việc chẩn đoán bệnh được chính xác hơn.
– Chụp X quang: Giúp xác định vị trí bị sùi hay lòng thực quản chít hẹp.
– Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp này sẽ giúp xác định hình dạng và vị trí khối u, mức chít hẹp lòng thực quản, đặc biệt nó còn giúp việc đánh giá mức độ xâm lấn của các tế bào ung thư sang các cơ quan khác.
5. Tiên lượng ung thư thực quản
Việc tiên lượng thực quản phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển bệnh, nhưng hầu như là tiên lượng xấu (tỷ lệ bệnh nhân sống được 5 năm dưới 5%) vì đa số bệnh nhân phát hiện bệnh khi ở giai đoạn tiến triển hoặc giai đoạn muộn. Bệnh nhân có ung thư thực quản còn giới hạn ở vùng niêm mạc có tỷ lệ sống thêm xấp xỉ 80%, tỷ sẽ giảm xuống dưới 50% khi ung thư xâm lấn xuống dưới lớp niêm mạc, 20% khi tới cơ, 7% khi xâm lấn sang các cấu trúc lân cận và dưới 3% khi di căn.
6. Điều trị bệnh
Cũng như các loại ung thư khác, ung thư thực quản cũng được điều trị theo giai đoạn bệnh, gồm các biện pháp: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, hỗ trợ điều trị bệnh bằng các phương pháp đông y. Để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, cần dựa vào giai đoạn của bệnh và tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản vào từng giai đoạn như sau:
– Giai đoạn I,II: Bác sĩ chuyên môn sẽ tiến hành phẫu thuật sớm để cắt đoạn thực quản đang tồn tại khối u, kết hợp với xạ trị, hóa trị, đồng thời chăm sóc, nâng cao thể trạng của người bệnh.
– Giai đoạn III: Vào giai đoạn này, việc phẫu thuật không thể cắt bỏ hoàn toàn khối u, do đó phương pháp xạ trị và hóa trị cần được áp dụng. Có thể tiến hành truyền hóa chất và chiếu tia xạ cả trước và sau phẫu thuật.
– Giai đoạn IV: Lúc này khối u đã xâm lấn và có kích thước lớn, do đó bệnh nhân thường được mở thông dạ dày để hấp thu thức ăn. Các biện pháp điều trị lúc này không còn hiệu quả, có thể sử dụng các phương pháp Đông y để hỗ trợ bệnh nhân kéo dài sự sống.
7. Những biện pháp phòng ngừa bệnh ung thư thực quản
Có thể phòng tránh bệnh ung thư thực quản bằng một số cách như:
– Cân bằng chế độ ăn – uống: Trong bữa ăn hàng ngày nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả để giúp phòng tránh ung thư thực quản. Hạn chế hoặc không sử dụng những thực phẩm hun khói, chiên rán nhiều dầu mỡ. Không nên ăn thực ăn quá nóng, tốc độ ăn nên vừa phải không được quá nhanh vì thức ăn không được nhai kỹ dễ gây tổn thương đến thực quản. Một chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa các loại thực phẩm sẽ có tác dụng rất lớn đến việc phòng ngừa ung thư.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng sẽ giúp phòng ngừa bệnh
– Hạn chế những thực phẩm làm tăng nguy cơ ung thư như lạc hay đậu nành đã bị mốc. Hạn chế rượu bia, tốt nhất là nên cai vì chúng đều là những yếu tố gây tổn thương thực quản.
– Chăm chỉ tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tránh mắc ung thư nói chung và ung thư thực quản nói riêng. Ngoài ra nó còn giúp tăng cường sức khỏe, nâng cao hệ miễn dịch. Hàng ngày mọi người nên tập thể dục ít nhất một tiếng, nên lựa chọn bài tập phù hợp với bản thân để mang lại kết quả tốt nhất,
Trên đây là tổng quan về bệnh ung thư thực quản, mong qua bài viết trên đây có thể giúp mọi người có thêm thông tin về bệnh ung thư thực quản cũng như các vấn đề liên quan đến bệnh.
Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay hotline 0246.291.8086 hoặc có thể để lại thông tin của bạn để được Kochi tư vấn một cách tốt nhất.