Những vẫn đề về huyết áp, tim mạch đang dần phổ biến trong xã hội hiện đại. Do đó, đo huyết áp là một phương pháp quan trọng có ý nghĩa theo dõi và kiểm soát huyết áp tại nhà, nhất là với những người huyết áp cao. Những chia sẻ sau đây đưa đến bạn thông tin hữu ích về việc đo huyết áp, cũng như cách đo huyết áp đơn giản và chính xác nhất với sự hỗ trợ của các thiết bị đo huyết áp điện tử.
Nội Dung
1. Thế nào là đo huyết áp?
1.1 Khái niệm
Huyết áp là một chỉ số nhằm phản ảnh áp lực của máu lên thành mạch, phụ thuộc vào sự bơm máu của tim và sức cản của động mạch. Đây là một chỉ số quan trọng đánh giá sức khỏe tim mạch của bạn, chỉ số này có những thay đổi lệch so với bình thường diễn ra trong thời gian dài, bạn cần phải điều chỉnh thường xuyên dưới sự hỗ trợ của thuốc để đảm bảo chỉ số huyết áp luôn trong giới hạn cho phép.
Vậy, đo huyết áp là gì, cách đo huyết áp như thế nào, có thể thao tác ở nhà hay cần nhờ đến sự hỗ trợ của nhân viên y tế? Trước hết cùng tìm hiểu:
Đo huyết áp là đo sự tăng, giảm huyết áp của cơ thể trong một thời gian nhất định, từ đó đánh giá chỉ số huyết áp của con người. Đây là một phương pháp thăm khám thủ công, làm cơ sở hỗ trợ quá trình khám cũng như điều trị bệnh.
Thế nào là đo huyết áp?
1.2 Nguyên lí đo huyết áp
Đo huyết áp tiến hành dựa trên nguyên lý là bơm căng một băng tay cao su, làm một động mạch mất mạch đập, sau đó xả hơi dần dần. Đồng thời quan sát và ghi lại những phản ứng của động mạch. Các chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tật.
- Chỉ số huyết áp tâm thu: Tương đương với thời điểm máu bắt đầu đi qua lòng mạch trong khi sức ép ở băng cao su bắt đầu giảm.
- Chỉ số huyết áp tâm trương: Tương ứng với thời điểm máu tự do lưu thông hoàn toàn trong động mạch khi không còn chịu sức ép của băng cao su.
1.3 Lợi ích mà việc nắm được cách đo huyết áp thường xuyên đem lại
Việc thường xuyên kiểm tra huyết áp đến rất nhiều lợi ích.
- Phát hiện các bất thường trong chỉ số huyết áp một cách sớm nhất, từ đó chẩn đoán bệnh kịp thời.
- Theo dõi những biến đổi của huyết áp trong quá trình điều trị.
- Tạo tinh thần trách nhiệm, duy trì động lực để cải thiện các chỉ số huyết áp.
- Tiết kiệm chi phí đến phòng khám định kỳ để theo dõi huyết áp.
- Tự kiểm tra sự chênh lệch giữa các chỉ số ở phòng khám và chỉ số huyết áp hàng ngày.
1.4 Tại sao cần biết cách đo huyết áp đúng?
Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến sức khỏe cũng cần kết quả chính xác. Kết quả đo huyết áp cao thấp hơn thực tế có thể tạo ra tâm lí chủ quan, do đó không điều trị kịp thời. Ngược lại, các chỉ số huyết áp cao hơn thực tế có thể dẫn đến sử dụng sai thuốc, sai thời điểm. Vì vậy, bạn cần được cung cấp những thông tin để biết cách đo huyết áp được chính xác và những lưu ý gì khi đo huyết áp.
2. Cách đo huyết áp
2.1 Chuẩn bị trước khi đo huyết áp
Để thu được kết quả chính xác, trước khi đo huyết áp bạn nên chú ý những điều sau:
- Không ăn uống, sử dụng cafein, thuốc lá, rượu bia trong vòng 30 phút trước khi đo.
- Nghỉ ngơi tối thiểu 15 phút trước khi đo, giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thằng.
- Kiểm tra các bộ phận của máy đo như dải băng quấn, van, áp lực kế đồng hồ, bơm cao su,…
- Nên sử dụng cùng một máy đo cho các lần đo.
2.2 Tư thế đo huyết áp chuẩn
Cách đo huyết áp chuẩn là khi bệnh nhân có được tư thế đo huyết áp chuẩn. Bệnh nhân ngồi ngay ngắn trên ghế có tựa lưng, hai chân đặt trên mặt đất, không bắt chéo chân. Đặt cánh tay có vòng bít lên bàn cao ngang ngực, duỗi thẳng.
cách đo huyết áp tư thế chuẩn
Ngoài tư thế ngồi, có thể tiến hành đo huyết áp ở các tư thế đứng, nằm. Với những người lớn tuổi hay bệnh nhân đái tháo đường, nên đo huyết áp ở cả thế đứng nhằm xác định liệu có bị hạ huyết áp tư thế hay không.
2.3 Vị trí đo huyết áp
Khi sử dụng máy đo huyết áp điện tử, có thể tiến hành đo ở bắp tay hoặc cổ tay, miễn là điểm cảm ứng trong băng quấn tay nằm ngang tim. Cụ thể như sau:
- Đo ở bắp tay: Đặt cánh tay nằm ngửa trên mặt bàn, điểm cảm ứng cách nếp khuỷu tay khoảng 1 – 2 cm.
- Đo ở cổ tay: Gập cánh tay một góc khoảng 45 độ, cổ tay nằm ngang với tim.
2.4 Thao tác đo huyết áp
Sau khi đã xác định tư thế cũng như vị trí đo đúng, bạn đeo bao quấn tay và bấm nút điều khiển trên máy để bắt đầu thực hiện quá trình đo. Giữ nguyên tư thế này cho đến khi kết quả đo hiện lên trên màn hình hiển thị thì tắt máy.
2.5 Lưu ý khi đo huyết áp
- Không ăn uống, không nói chuyện, hạn chế cử trong lúc đo huyết áp vì có thể sẽ khiến kết quả sai lệch.
- Lần đầu đo huyết áp cần thực hiện đo ở cả hai tay, sau đó chọn cánh tay với mức huyết áp có khuynh hướng cao hơn để đo những lần tiếp theo.
- Nên đo mỗi ngày hai lần, một lần vào buổi sáng, trước khi uống thuốc và một lần vào buổi chiều, sau bữa ăn khoảng 1 giờ.
- Nên tiến hành đo vào một thời điểm cố định trong ngày.
- Ghi lại các kết quả đo kèm theo ngày và giờ đo để theo dõi và thuận tiện cho việc đánh giá của thầy thuốc
3. Kết quả đo huyết áp
3.1 Chỉ số huyết áp bình thường
Huyết áp được coi là bình thường khi chỉ số huyết áp tâm thu trong khoảng 90 mmHg đến 130 mmHg, chỉ số huyết áp tâm trương từ 60 mmHg đến 85 mmHg.
3.2 Chỉ số huyết áp thấp
Chỉ số huyết áp tâm thu dưới 85 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg cảnh báo nguy cơ huyết áp thấp. Huyết áp thấp làm các cơ quan không được cung cấp đủ máu để duy trì hoạt động, đặc biệt là các cơ quan ở xa như não, làm bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn,…
Đo huyết áp có ích cho việc chẩn đoán bệnh
3.3 Chỉ số huyết áp cao
Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
-
Tiền tăng huyết áp khi chỉ số đo huyết áp tâm thu 130 – 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 – 90 mmHg.
-
Tăng huyết áp độ 1 khi chỉ số huyết áp tâm thu 140 – 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 – 99 mmHg.
-
Tăng huyết áp độ 2 khi số đo huyết áp tâm thu 160 – 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100 – 109 mmHg.
-
Tăng huyết áp độ 3 khi số đo huyết áp tâm thu từ 180 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 110 mmHg trở lên.
-
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: chỉ số huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và huyết áp tâm trương nhỏ hơn 90 mmHg.
Với cách đo huyết áp tiêu chuẩn, bạn có thể kiểm tra được huyết áp của mình thường xuyên một cách tương đối chính xác tại nhà, thao tác nhiều sẽ thành thói quen, bạn có thể hoàn toàn thành thạo trong việc kiểm tra huyết áp chủ động tại nhà. Những thông tin về cách đo huyết áp chủ động hy vọng sẽ được chia sẻ đến nhiều người để biết cách thao tác chính xác, tránh hoang mang về những kết quả đo thiếu chính xác khi bạn chưa biết cách thao tác.
Việc biết cách đo huyết áp đúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tật, đặc biệt đối với người cao tuổi, người có vấn đề về huyết áp hay những người mắc bệnh nền. Bằng việc theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà, kết hợp việc đo huyết áp đúng cách, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người thân yêu của mình.